CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ BA TUẦN XX MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Mt 19,23-30
Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: Tl 6,11-24
Thiên Thần Chúa đến ngồi dưới gốc cây xoài ở đất Ephra. Gê-đê-on, con trai của ông đang đập lúa và rê lúa trong nhà ép nho để tránh mắt quân Ma-đi-an.
Một người, một dân quê bé nhỏ đang làm việc hằng ngày. Ong cố cứu vãn mùa gặt, vào một thời bất an.
Mà Thiên Chúa ở đó. “Thiên Thần Chúa” là một kiểu nói truyền thống của Kinh Thánh để chỉ chính Thiên Chúa khi Người tỏ mình cho một ai đó.
Hỡi người dũng sĩ, Chúa ở cùng ngươi.
Cảnh tượng của ơn gọi. Maria trong buổi truyền tin, sẽ nghe cũng một lời mời gọi (Lc 1,28).
Thiên Chúa luôn ở với những ai đau khổ và sẵn sàng với lời Người.
Gê-đê-on thưa lại rằng: “Thôi, xin Người. Nếu Chúa ở cùng chúng tôi, tại sao chúng tôi lại chịu tất cả những sự này? Nào đâu những việc kỳ diệu của Chúa mà cha ông chúng tôi đã kể lại … Nhưng nay Chúa lại bỏ rơi chúng tôi, đã trao chúng tôi vào quân Ma-đi-an”.
Gê-đê-on tranh luận. Ong muốn có những chính xác về ơn gọi của ông.
Chúa nhìn ông mà phán rằng: “Ngươi hãy mạnh mẽ tiến đi mà giải thoát Israel khỏi tay quân Ma-đi-an”.
Mọi ơn gọi đều là một việc sắp đặt để phục vụ người khác.
Tôi phải phục vụ gì? Tôi có phải là người cứu tinh của ai không? Các trách vụ nhân loại của tôi không chỉ là một vai trò tôi đảm nhận hay do quyết định hay chấp thuận cá nhân … đây cũng là và trước hết là một sự “sai phái”, một “sứ mệnh” nhận được Thiên Chúa phán hãy tiến đi! Tôi không một mình bị dính líu: Thiên Chúa dấn thân với tôi … trong gia đình tôi, nghề nghiệp và các đoàn kết khác nhau của tôi.
Mạnh mẽ biết bao, nếu chúng ta ý thức hơn về chiều kích lạ lùng của các phận vụ khác nhau của chúng ta trong thế giới!
Gê-đê-on thưa lại rằng: “Thôi, xin Chúa, tôi dựa vào đâu mà giải thoát Israel? Đây gia đình tôi là gia đình rốt hết, và tôi là con út trong gia đình cha tôi”.
Chủ đề thường gặp trong Kinh thánh: việc chọn lựa những người bé nhất trong những hoàn cảnh nhỏ nhất, để thực hiện những kế hoạch lớn lao của Thiên Chúa.
“Người đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữa của Chúa … Người lật đổ những người quyền thế xuống khỏi ngai vàng, và nâng cao những người phận nhỏ” (Lc 1,52). “Các yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1 Cr 1,25).
Thánh giá Chúa Giêsu, sự yếu đuối tột cùng.
Có một vài biện luận khi chúng ta dựa vào chiêu bài sự nhỏ bé của mình, để không làm gì, từ khước các trách nhiệm … làm như chính nhờ sức mạnh riêng mà chúng ta có thể làm được điều gì đó!
Gê-đê-on thưa rằng: “Xin cho con một dấu chứng”.
Trong mọi tường thuật về ơn gọi, chúng ta tìm gặp đòi hỏi này. Thiên Chúa không thảy chúng ta vào một sự phi lý mạo hiểm. Một ơn gọi được suy xét và chứng nghiệm. Một trách nhiệm được tiên liệu và chuẩn bị.
Sự dấn thân của chúng ta nên là một quyết định tự do và được khai sáng: ngược lại là bất xứng với Thiên Chúa … và với con người. Đây là điều nghiêm trọng!
Nhưng nói dấu chứng là nói tới một thực tại ẩn kín, mỏng dòn phải giải thích. Một dấu chứng không phải là một chỉ dẫn tuyệt đối rõ rệt … “Cử chỉ này muốn nói lên điều gì?” Vậy vẫn còn một sự chọn lựa nhưng không phải làm, một bước tiến về một ẩn số nào đó … dĩ nhiên là nhờ ơn Chúa.
Bình an cho ngươi, đừng sợ. Gê-đê-on liền dựng một bàn thờ dâng kính Chúa, và gọi bàn thờ đó là “Bình an của Chúa”.
Lạy Chúa, xin tiếp tục ở lại với chúng con, xin ban bình an cho chúng con.
Bài đọc II: Ed 28,1-10
Thỉnh thoảng chúng ta tự hỏi tại sao Giáo-hội kêu gọi ta suy niệm về Kinh Thánh Cựu Ước. Một số trang thật khó hiểu:
Hoặc vì các trang sách ấy tương ứng với một tâm trạng đạo đức quá sơ đẳng và đơn giản.
Hoặc vì các trang ấy ám chỉ đến các biến cố lịch sử hay các cảnh ngộ quá xa xưa cũ mà người ta tự hỏi cho chúng tái xuất hiện để làm gì.
1. Đức Giêsu rất thường lấy lại các đề tài quan trọng trong Cựu ước để hoàn tất nơi chính Người. Vì thế, cuối cùng tất cả mọi Kitô hữu khi đọc Kinh Thánh Cựu ước, đều phải hướng tới Đức Kitô.
2. Hôm nay, Chúa Thánh Thần luôn sống động. Chính Người đã linh ứng cho các tác giả Cựu ước … Người luôn hoạt động trong thời đại chúng ta: các bản văn xưa sẽ mặc được tính thời sự cụ thể, bằng cách tự linh động dựa theo kinh nghiệm riêng của cuộc sống ta và dựa theo lịch sử hiện đại.
Sấm của Gia-vê đến với tôi rằng: “Con người hỡi, hãy nói với ông hoàng thành Tyr …”.
Tyr là một thành tạo lạc trên bờ biển Địa Trung Hải, nó với Sudon và Bablos, là một trong các hải cảng lớn nhất Phénixi, để từ đó chúng ra đi chinh phục toàn lưu vực Địa Trung Hải.
Khi nói với “ông hoàng xứ Tyr”, nhân danh Thiên Chúa duy nhất, Eđêkien khẳng định rằng sứ điệp của ông có tính cách phổ quát, không đóng khung trong biên giới của dân riêng ông.
Trong Tin Mừng cũng vậy, Tyr là biểu tượng cho một thành trì ngoại giáo. Chính nơi đó, Đức Giêsu đã làm phép lạ giúp cho một người phụ nữ Phênixia vùng Syri (Mc 7,24). Đối với Đức Giêsu, Tyr là điển hình căn bản của một “thành chưa nghe biết Tin Mừng” và được Thiên Chúa yêu thương như Người yêu thương tất cả những người ngoại giáo: “Tyr và Sidon sẽ được xử khoan dung hơn ngươi, hỡi Capharnaum” (Lc 10,15).
Tôi cầu nguyện cho các lương dân, cho tất cả các xứ, các nơi còn chưa biết rõ Đức Giêsu Kitô.
Đức Giavê phán thế này: “Nhưng vì lòng ngươi tự cao và ngươi đã nói: Tôi là chúa tể, tôi ở ngai tòa thần linh, giữa dòng biển cả. Trong khi ngươi chỉ là người chứ không phải Chúa, ngươi lấy ý muốn của ngươi làm tôn ý Thiên Chúa”.
Tyr là một hòn đảo, gần bờ biển. Vị trí chiến lược của nó “ở giữa biển”, tạo nên cho nó một địa thế vững mạnh, khiến nó nghĩ rằng không ai thắng được nó, cho tới ngày A-lịch-sơn đại đế xây một con đập nối liền nó với bờ lân cận.
Vị ngôn sứ đứng lên chống lại tâm trạng kiêu căng của thành này.
Và chúng ta tưởng đã nghe trước các lời Đức Giêsu cảnh báo tất cả các thành trì (các quyền lực và mọi người) giở trò “láu cá” trước nhan Thiên Chúa: “Còn ngươi, hỡi Capharnaum, ngươi tưởng ngươi sẽ được nâng lên tận trời ư? Không, ngươi sẽ nhào xuống tận âm phủ!” (Mt 11,23).
Thế nào là kinh nghiệm nhân bản hiện thực và cá nhân mà tôi còn lưu ý áp dụng, dưới ảnh hưởng của Thần khí, Đấng nói lại cho tôi các lời đó, Hôm Nay?
Nhờ sự khôn ngoan và thông minh mà ngươi đã thâu tích của cải, đã thu vào kho tàng của ngươi, nào vàng, nào bạc.
Bởi ngươi lanh lẹ trong nghề thương mại, ngươi đã tăng thêm của cải, và vì của cải, lòng ngươi đã tự cao …
Đức Giêsu đã nói: “Anh em đừng tích trữ của cải dưới đất” (Mt 6,19).
Tôi sẽ tích trữ lúa thóc vào kho.
“Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi” (Lc 12,16-21).
Đó là điều luôn luôn hiện thực.
BÀI TIN MỪNG: Mt 19,23-30
Sau khi người thanh niên giàu có bỏ đi, Đức Giêsu nói với các môn đệ của Người: “Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời”.
Đức Giêsu đau lòng, Người đề nghị anh thanh niên theo Người, và anh này thích “tiền” hơn! Làm sao tâm hồn ta có thể chọn lựa như thế? Lạy Chúa, giữa Chúa và tiền bạc … làm sao người ta có thể thích tiền bạc hơn?
Thầy còn cho anh em biết: Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào nước Thiên Chúa.
Một lời nói khe khắt. Cho dù đó có là kiểu nói phóng đại tiêu biểu của vùng cận đông, ta cũng không được làm giảm nhẹ ý nghĩa của câu nói. Rõ ràng, lời trên muốn gây phản ứng, lay tỉnh thái độ trì trệ của ta.
Hãy chú ý! Vô cùng nguy hiểm đó!
Đây không phải là lời nói đơn độc, tùy tiện trong Tin Mừng: hai mươi lần Đức Giêsu đã lập lại những sự việc thuộc loại đó. Để có một ý tưởng quân bình thuộc tư tưởng của Đức Giêsu về “giàu sang”, cần phải nhớ lại rằng:
1. Người luôn giúp con người đề cao cảnh giác trước của cải, thường gây trở ngại cho những ai muốn bước vào “sự sống”…
2. Tuy nhiên, Người thích kêu gọi những người giàu sang đang nắm giữ một địa vị xã hội cao, mà không yêu cầu họ phải bỏ trách vụ của họ …
Không phải của cải tự nó là xấu, mà là “nguồn gốc phát sinh”, nếu của cải được chiếm đoạt một cách bất công … Và “do cách sử dụng”, nếu của cải bị tiêu xài lãng phí cách ích kỷ, mà không quan tâm đến những kẻ nghèo khó … nhưng nhất là “do nguy cơ” làm cho con người ra lòng chai dạ đá và tự mãn cao ngạo, nếu của cải khép kín tâm hồn hướng đến những giá trị thiêng liêng đích thực (người ta không cần đến Thiên Chúa nữa).
Nghe nói vậy, các môn đệ vô cùng sửng sốt và nói: “Thế thì ai có thể được cứu?” Đức Giêsu nhìn thẳng vào các ông mà nói: “Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được”.
Đây là vấn đề nghiêm trọng, liên hệ đến sự cứu rỗi đời đời. Lạy Chúa, Chúa biết rõ mọi khéo léo con người đã đưa ra để cố làm giảm nhẹ lời trên … hay để áp dụng cho “kẻ khác”, vì luôn có một người nào đó giàu hơn mình.
Lạy Chúa, thực sự cảnh nghèo khó làm con sợ và sự giàu sang luôn lôi cuốn con. Con cần phải nói với Chúa điều đó, vì đó là sự thực. Xin Chúa giúp con. Xin hoán cải tâm hồn con.
Phêrô lên tiếng thưa Người: “Thầy coi phần chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?”
Sau khi người thanh niên giàu có dính bén với của cải của mình buồn rầu bỏ đi, một bóng tối ủ rũ tràn phủ trên cả nhóm. Để phá tan bầu khí u ám và như để an ủi Thầy mình, Phêrô bày tỏ sự suy phục Đức Giêsu qua thái độ trung thành của ông: “Phần chúng con, chúng con đã theo Thầy”.
Lạy Chúa, xin ban cho Giáo-hội các tông đồ … như họ, có thể bỏ mọi sự vì Chúa.
Lạy Chúa, xin ban cho mọi tông đồ trước hết đừng vội nghĩ mình phải làm những việc gì, phải khởi sự việc tông đồ ra sao … nhưng hãy nghĩ đến cần phải theo Chúa đã.
Anh em là những người đã theo Thầy.
Không, đối với Đức Giêsu, việc tông đồ không phải là một công trình, mà là mối tình thân hữu.
Đến thời Tái sinh …
Tư tưởng của Chúa thường hướng về “ngày đó”, tới tương lai đó. Chúa là một người hướng đến ngày kiện toàn thế giới, kiện toàn con người. lạy Chúa, chớ gì thời gian đó mau đến! Thời gian mà tất cả sẽ trở nên mới mẻ, sẽ được đổi mới … mọi sự sẽ đẹp tươi!
Anh em cùng với Con Người được ngự trên tòa … Anh em sẽ được gấp bội những gì đã từ bỏ … và còn được hưởng sự sống đời đời làm gia nghiệp.
Tương lai mà Chúa hứa cho các môn đệ, cho những kẻ đã vượt qua những cản trở mà theo Chúa … đó là một tương lai vui vẻ. Đó là một sự sống phong phú, một sự hân hoan sung sướng trong Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin tạ ơn Chúa, xin hướng dẫn con tới ngày đó.
Giáo phận Nha Trang - Chú Giải
Người giàu có khó vào Nước-Trời.
NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:
Bài Tin-Mừng hôm nay gồm phần trình bày về người giàu có khó vào Nước-Trời và phần nói về phần thưởng dành cho những ai bỏ mọi sự mà theo Đức Giê Su.
1. “Người giàu có khó vào Nước-Trời”:
Lời Chúa tuyên bố ở đây phải hiểu theo câu chuyện người thanh niên giàu có ở trên. Thật ra cái nguy hại không phải là chính sự giàu có vật chất hay tinh thần, mà ở lòng người ta. Điều này đòi hỏi chúng ta phải biết sử dụng vật chất theo tinh thần làm chủ chứ không làm nô lệ cho vật chất. Chúng ta giữ đức nghèo khó khi chúng ta không tham lam, ham hố của cải khiến chúng ta lỗi đức công bằng đối với Chúa, với tha nhân và với chính mình.
2. “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Thiên-Chúa”:
Hình ảnh con lạc đà chui qua lỗ kim là một kiểu nói mạnh theo lối Do Thái; nhưng rất điển hình để diễn tả điều Chúa muốn nói: tin là ơn siêu nhiên Thiên-Chúa ban (Ga 6,40: việc Thiên-Chúa muốn cho các ông làm là tin vào Đấng Người đã sai đến); chỉ vì ai sẵn sàng nên khó nghèo về bản thân và vật chất mới biết đón nhận ơn đó.
Người ham hố của cải vật chất cũng như tinh thần cũng bị chi phối, làm ngăn cản niềm tin tưởng, trông cậy và yêu mến Chúa, vì thế rất khó được vào Nước-Trời. Người Tông Đồ không được dính bén về sự ham hố của cải vật chất, kẻo làm ngăn cản cho ý hướng, tâm tình và công việc Tông Đồ.
3. “Thế thì ai có thể được cứu?”:
Các môn đệ hốt hoảng vì vừa phải từ bỏ quyền cưới vợ sinh con; vừa phải siêu thoát của cải mình có. Sự hốt hoảng biểu lộ rằng các môn đệ chỉ biết nhìn vào sức riêng mình nên cảm thấy bất lực. Khi phải thực hiện những điều khó khăn đến nghịch thường như không được ly dị, sống độc thân và siêu thoát mọi của cải mình có, chúng ta đừng lấy sức riêng mình, nhưng phải cậy nhờ vào ơn Chúa vì “đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên-Chúa, thì mọi sự đều có thể được”, nghĩa là Thiên-Chúa có thể khiến cho những gì có thể xem ra bất khả trước mắt loài người, được trở nên hiện thực.
4. “Chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con sẽ được gì?”:
Ở đây Phê-rô đưa ra câu thắc mắc dựa theo kinh nghiệm cụ thể: các môn đệ đã từ bỏ các phương tiện bảo đảm an toàn về mặt nhân loại cho họ, để theo Chúa Giê-su thì sẽ được những gì? Người Tông Đồ nhiều khi cũng có những cám dỗ nghi ngờ về hiệu quả công phúc của việc Tông Đồ mình làm, nên sinh ra chán nản, tiêu cực và chạy theo những mối lợi trần gian …
5. “… Anh em là những người đã theo Thầy thì đến thời tái sinh …”:
Thời tái sinh theo từ ngữ khải huyền Do Thái thì hiểu về thời tận thế sau cuộc chung thẩm (Mt 25,31-46), nhưng ở đây hiểu rộng về sự đổi mới, Chúa Kitô thực hiện một cách thiêng liêng trong Hội Thánh kể từ khi Người sống lại và sẽ hoàn tất ngày tận thế. Đây là một lời hứa để củng cố niềm tin cho các Tông Đồ. Người Tông Đồ phải biết đặt giá trị hy vọng vào giá trị thiêng liêng của công việc mình làm hơn là chính công việc. Nhờ đó khi gặp thất bại sẽ không nản, và khi gặp thành công sẽ không tự kiêu tự mãn.
6. “Phàm ai bỏ nhà cửa …”:
Kiểu nói này có ý diễn tả về những của thiêng liêng có giá trị hơn nhiều so với vật chất mà người Tông Đồ từ bỏ vì danh Chúa Kitô.
- Từ bỏ mối liên hệ gia đình tự nhiên, sẽ được mối liên hệ gia đình thiêng liêng rộng lớn và sâu xa hơn nhiều.
- Từ bỏ của cải vật chất để được của cải thiêng liêng, vì cho đi sẽ được Chúa cho lại.
- Nhưng hiệu quả lớn nhất cho những ai biết sống từ bỏ, đó là phần thưởng được bảo đảm sự sống đời đời.
7. “Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống chót hết …”:
Đây là một lời cảnh giác về ngày phán xét:
- Dành cho các Tông Đồ và các vị nắm giữ chức quyền trong Hội Thánh: Bây giờ thì các Ngài là những nhà lãnh đạo dân Chúa, nhưng nếu không biết sống, có thể sẽ thành rốt hết sau này.
- Ngoài ra, theo ý nghĩa câu chuyện người thanh niên giàu có, thì trong câu này cũng có thể Chúa ám chỉ tới người Do Thái. Họ là những người được gọi vào Nước của Đấng Cứu Thế trước tiên, nhưng vì không tin vào Chúa Giê-su, nên họ đã phải nhường chỗ cho dân ngoại trong Nước Chúa.
- Dầu sao thì đây cũng là lời ảnh cáo chung cho mọi người chúng ta: bây giờ xem ra được đầy đủ mọi phương tiện cho sự sống đời đời hơn bao nhiêu người khác, nhưng nếu không biết dùng những phương tiện đó để thánh hóa bản thân và tha nhân, thì đến ngày phán xét sẽ chẳng được công phúc gì, và như vậy sẽ bị xuống rốt hết tức là bị loại ra khỏi Nước-Trời.